行业分类
《三国演义》第五十回
日期:2011-08-06 22:37  点击:314
Hồi 50
 
Gia Cát Lượng khéo tình đường Hoa Dung;
Quan Vân Trường vì nghĩa tha Tào Tháo.
 
 
 
Lại nói đang đêm hôm ấy Trương Liêu bắn trúng Hoàng Cái ngã xuống sông, cứu được Tào Tháo chạy lên bờ, tìm được ngựa thì quân sĩ đã rối loạn cả rồi.
 
Hàn Đương xông vào đánh thuỷ trại, bỗng quân sĩ báo tin có một người ở dưới bánh lái đang gọi tên mình. Hàn Đương lắng nghe, thấy tiếng gọi:
 
- Công Nghĩa cứu ta với!
 
Đương nhận đúng là tiếng Hoàng Cái, vội vàng vớt lên, thấy Hoàng Cái bị tên bắn trúng, bèn ghé răng cắn rút tên ra, nhưng đầu tên mắc trong thịt, Đương vội vàng cởi áo ướt của Cái ra, lấy gươm khoét thịt lấy đầu tên, rồi xé vải cờ buộc chặt lại; lại cởi chiến bào của mình thay cho Hoàng Cái, sai thuyền đưa về trại chữa thuốc.
 
Hoàng Cái xưa nay bơi lội đã quen, cho nên đang lúc đại hàn, ngã xuống sông cũng không việc gì.
 
Đêm hôm ấy, lửa đỏ rực trời, tiếng reo dậy đất. Bên tả, hai đội quân của Hàn Đương, Tưởng Khâm, từ mé tây núi Xích Bích đánh đến. Bên hữu, hai đội quân của Chu Thái, Trần Vũ từ mé đông núi Xích Bích đánh vào; ở giữa đại đội chiến thuyền của Chu Du, Trình Phổ, Từ Thịnh, Đinh Phụng xốc tới. Trong thì lửa đốt, ngoài thì quân đánh. Đó thật là: thuỷ chiến cửa Tam Giang, dàn quân núi Xích Bích. Quân Tào người bị giáo đâm, kẻ trúng tên bắn, chết cháy, chết đuối, không biết bao nhiêu mà kể…
 
Đời sau có thơ rằng:
 
Chiến tranh, Ngô, Nguỵ quyết thư hùng,
Xích Bích thuyền bè phút sạch không!
Lửa bốc đùng đùng mây biển đỏ,
Chu Du nhờ đó phá Tào công!
 
Lại có bài thơ tứ tuyệt rằng:
 
Non cao, trăng quạnh nước mênh mông,
Chinh chiến thời xưa khéo lạ lùng.
Quân sĩ Giang Đông, không đón Nguỵ,
Gió đông có ý giúp Chu lang.
 
Lại nói Cam Ninh sai Sái Trung đưa đường vào cướp trại Tào Tháo; đến nơi Ninh chém chết ngay Sái Trung, rồi đốt lửa lên làm hiệu. Lã Mông thấy trung quân có hiệu lửa, liền đốt luôn vài chục nơi để tiếp ứng Cam Ninh. Đổng Tập, Phan Chương cũng chia nhau đốt lửa hò reo, trống đánh rộn rã.
 
Tào Tháo cùng với Trương Liêu dẫn hơn chục quân kỵ mã chạy trong rừng lửa, nhìn ra phía trước chẳng chỗ nào là chỗ không có lửa cháy. Đang chạy, thì thấy Mao Giới cứu được Văn Sính, dẫn vài chục quân vừa chạy đến. Tháo sai quân tìm đường, Trương Liêu chỉ tay nói:
 
- Chỉ còn có đường Ô Lâm rộng rãi để chạy thôi.
 
Tháo chạy tắt ra đường Ô Lâm. Bỗng có một toán quân đuổi tới, gọi to lên rằng:
 
- Giặc Tào đừng chạy nữa!
 
Trong ánh lửa, hiện ra lá cờ hiệu Lã Mông. Tháo thúc quân cứ việc chạy, để Trương Liêu đi sau đánh nhau với Lã Mông. Một lát, lại thấy trước mặt có lửa bốc, một toán quân ở trong hang núi kéo ra, gọi to lên rằng:
 
- Lăng Thống ở đây!
 
Tào Tháo rụng rời hồn vía, may đâu có một toán quân cũng vừa chạy đến, kêu lớn:
 
- Thừa tướng đừng sợ, có Từ Hoảng ở đây!
 
Và xốc vào đánh Lăng Thống một chập, rồi tháo đường chạy cả về phía bắc. Lại thấy một toán quân mã đóng trên sườn núi, Từ Hoảng ra hỏi, thì là Mã Diên và Trương Khải, tướng cũ Viên Thiệu đã hàng Tào. Hai tướng ấy có ba nghìn quân mã, cắm trại ở đó. Đêm hôm ấy, trông thấy lửa sáng rực trời, chưa dám khinh động, vừa may gặp Tào Tháo. Tháo sai hai tướng dẫn một nghìn quân đi trước mở đường, còn bao nhiêu bắt đi kèm để bảo vệ.
 
Tháo được toán quân dồi dào sinh lực ấy, trong bụng hơi vững. Mã Diên, Trương Khải hai tướng tế ngựa đi trước, chưa được mười dặm, bỗng nghe tiếng quát ầm ĩ, một toán quân đổ ra, tướng đi đầu thét lên rằng:
 
- Tao là Cam Hưng Bá ở Đông Ngô đây!
 
Mã Diên đang chực giao chiến thì đã bị Cam Ninh đưa một nhát dao, lăn ngay xuống ngựa. Trương Khải vác giáo xông tới. Ninh quát to một tiếng, Khải trở tay không kịp, bị một nhát dao chết nốt. Hậu quân phi báo Tào Tháo. Tháo lúc đó chỉ mong quân Hợp Phì đến cứu; không ngờ Tôn Quyền chặn ở đường Hợp Phì, trông thấy lửa sáng dưới sông, biết là quân mình thắng trận, liền sai Lục Tốn đốt lửa làm hiệu. Thái Sử Từ thấy có hiệu lửa, liền hợp quân với Lục Tốn đánh bừa vào, Tào Tháo phải chạy rẽ ra Di Lăng. Giữa đường, gặp Trương Cáp, Tháo sai Cáp đi chặn hậu. Tháo ra roi tế ngựa chạy mãi đến canh năm, ngoảnh lại trông thấy khói lửa đã xa, mới tạm yên tâm, và hỏi:
 
- Đây là xứ nào?
 
Tả hữu bẩm:
 
- Đây là phía tây rừng Ô Lâm, phía bắc đất Nghi Đô.
 
Tháo ngồi trên ngựa, nhìn thấy cây cối um tùm, núi non trùng điệp, bỗng nhiên cười sằng sặc mãi không thôi. Các tướng hỏi:
 
- Thừa tướng cười gì?
 
Tháo nói:
 
- Ta không cười ai, chỉ cười Chu Du ít mưu, Gia Cát Lượng kém mẹo. Nếu phải ra tay, ta cho phục sẵn một đạo quân ở chỗ này, thì sẽ ra sao nhỉ?
 
Tháo nói chưa dứt lời, đã thấy trống đánh thùng thùng, lửa bốc ngùn ngụt. Tháo sợ hãi quá, suýt nữa ngã ngựa. Một toán quân xông ra, rồi một tướng thét lên:
 
- Ta là Triệu Tử Long, phụng mệnh quân sư, đợi ở đây đã lâu rồi!
 
Tháo sai Từ Hoảng, Trương Cáp hai người ra địch Triệu Vân, còn mình cứ việc cắm cổ chạy. Tử Long không đuổi theo, chỉ cố cướp đoạt tinh kỳ, khí giới thôi. Tháo thoát nạn.
 
Lúc này, trời đã gần sáng, mây đen phủ kín cả bầu trời, gió đông nam vẫn chưa tắt. Bỗng nhiên một trận mưa đổ xuống như trút nước, ướt cả áo giáp. Tào Tháo và quân sĩ đội trời mà chạy, người nào người nấy bụng đói như cào, Tháo thả quân vào các làng mạc cướp gạo và tìm lửa để thổi cơm ăn. Sắp thổi cơm, thì một toán quân đuổi đến. Tháo hoảng quá, trông ra thì là Lý Điển, Hứa Chử, đưa một bọn mưu sĩ vừa chạy tới. Tháo mừng rỡ, thúc quân đi luôn không ăn vội, và hỏi:
 
- Phía trước mặt kia là địa phận nào?
 
Quân sĩ bẩm:
 
- Một bên là đường to đi nam Di Lăng, một bên là đường núi đi bắc Di Lăng.
 
Tháo lại hỏi:
 
- Đi đường nào về Nam Quận, Giang Lăng cho gần?
 
Quân sĩ thưa:
 
- Đi đường nam Di Lăng, qua cửa hang Hồ Lô, về Nam Quận gần hơn.
 
Tháo bảo ngay đi đường nam Di Lăng. Đến cửa hang Hồ Lô, quân sĩ đã đói lả cả rồi, không nhấc chân được nữa. Ngựa cũng kiệt sức, lắm con ngã lăn ra dọc đường. Tháo cho quân tạm nghỉ. Quân sĩ khi nãy vào các làng mạc, kẻ thì cướp được gạo củi, người thì giật được nồi niêu, liền đem cả ra tìm chỗ khô ráo, bắc bếp thổi cơm, cắt cả thịt ngựa nướng ăn. Rồi người nào người nấy cởi áo ra hóng gió cho khô; ngựa tháo yên cho gặm cỏ.
 
Tháo ngồi trong rừng, bỗng dưng lại ngẩng mặt cười sằng sặc. Các tướng hỏi:
 
- Vừa rồi thừa tướng cười Chu Du, Gia Cát Lượng, đã xuất hiện ngay một đám Triệu Tử Long, tổn hại bao nhiêu quân mã. Sao bây giờ thừa tướng lại cười?
 
Tháo nói:
 
- Ta vẫn cười Gia Cát Lượng, Chu Du là kém mưu trí, nếu ta dùng binh, thì phục sẵn quân ở chỗ này, ngồi chơi ăn sẵn, chúng ta chẳng chết cũng bị trọng thương. Họ không tính đến nước đó, nên ta cười.
 
Tháo đang cười cười nói nói, bỗng phía trước phía sau tiếng hò reo nổi lên ầm ĩ. Tháo giật mình, bỏ cả giáp, nhảy lên ngựa, phần; lớn quân sĩ chưa kịp thu ngựa về, đã thấy bốn mặt lửa cháy đùng đùng, một đạo quân dàn trước cửa hang, tướng đi đầu là Trương Dực Đức, cắp mâu kìm ngựa, hét lớn:
 
- Bớ giặc Tháo, mi định chạy đi đâu?
 
Tướng sĩ trông thấy Trương Phi, đều rụng rời hết vía. Hứa Chử vội vàng cưỡi ngựa không yên ra địch Trương Phi; Trương Liêu, Từ Hoảng cũng tế ngựa xúm vào đánh. Quân sĩ hai bên đánh nhau lộn bậy. Tháo tế ngựa chạy thoát. Các tướng cũng dần dần rút cả.
 
Trương Phiđuổi theo. Tháo cắm cổ chạy. Khi chạy đã xa. Tháo ngoảnh nhìn các tướng, thấy bị thương rất nhiều. Đang đi, quân sĩ bẩm rằng:
 
- Trước mặt là ngã ba đường, xin hỏi thừa tướng đi đường nào?
 
Tháo hỏi:
 
- Đi đường nào cho gần?
 
Quân sĩ bẩm:
 
- Con đường lớn phẳng phiu lắm, nhưng xa hơn năm chục dặm; con đường nhỏ sang Hoa Dung gần năm chục dặm, nhưng hẹp và gồ ghề khó đi.
 
Tháo sai người lên núi quan sát, người ấy trở xuống báo rằng:
 
- Trong đường nhỏ có mấy chỗ khói bốc nghi ngút, đường lớn thì không thấy gì.
 
Tháo truyền cho các tướng đi theo đường nhỏ Hoa Dung.
 
Các tướng hỏi:
 
- Có khói lửa, tất có mai phục, sao lại đi đường ấy?
 
Tháo nói:
 
- Các tướng không biết trong binh thư có câu “Hư là thực, thực là hư” à? Gia Cát Lượng khôn ngoan, cho nên sai người đốt lửa ở sườn núi hẻo lánh để ta không dám đi qua núi, rồi phục binh sẵn ở đường lớn. Ta đã biết tỏng rồi, khi nào còn mắc mẹo hắn.
 
Các tướng đều nói:
 
- Thừa tướng mưu cơ giỏi lắm, khó ai bì kịp!
 
Rồi cùng nhau đem quân chạy theo lối Hoa Dung. Bấy giờ, quân mã mỏi mệt, thương binh phải gượng gạo dắt díu, cõng đỡ nhau mà đi, quần áo ướt sũng, tả tơi; vũ khí cờ quạt xơ xác. Trong số này, phần nhiều bị đuổi riết ở đường Di Lăng mới rồi, chỉ còn cưỡi ngựa trần, yên cương chẳng có. Vả đang lúc trời đông rét mướt, khổ não không sao kể xiết.
 
Đang đi, Tháo thấy tiền quân dừng ngựa đứng lại. Tháo hỏi làm sao; quân quay về bảo rằng:
 
- Đường hẻm chân núi, vì buổi sáng mưa to, nước đọng thành vũng, bùn lầy ngập vó ngựa, khó đi lắm.
 
Tháo điên tiết, quát mắng:
 
- Phép hành quân, gặp núi phải mở lối, gặp nước phải bắc cầu, có lẽ đâu bùn lầy không đi được?
 
Lập tức truyền lệnh, cho quân già yếu và bị thương từ từ đi sau. Còn bao nhiêu quân cường tráng phải gánh đất, kiếm cỏ rác để đắp đường cho phẳng phiu; phải làm ngay để lấy đường đi, ai trái lệnh sẽ chém đầu. Quân sĩ được lệnh phải tụt xuống ngựa, đẵn tre chặt gỗ để lấp đường.
 
Tháo lại sợ sau lưng có quân đuổi theo, sai Trương Liêu, Hứa Chử, Từ Hoảng dẫn một trăm lính kỵ, tuốt gươm cầm sẵn trong tay, tên nào chậm chạp thì chém. Lúc này, quân sĩ đều đói mệt, lăn queo ra đường. Tháo thét người ngựa giẫm lên trên mà đi, chết hại không biết bao nhiêu, tiếng kêu khóc vang cả đường sá.
 
Tháo giận, nói:
 
- Sống chết có số, việc gì mà phải khóc? Hễ đứa nào khóc nữa thì chém!
 
Trong ba toán quân mã, một toán ở lại sau, một toán đi trước đắp đường, lấp hố, còn một toán đi kèm với Tào Tháo. Đi khỏi quãng hiểm trở, ra đến đường cái phẳng phiu hơn. Tháo ngoảnh lại thấy chỉ còn hơn ba trăm quân mã, quần áo tả tơi. Tháo giục đi cho mau. Các tướng thưa:
 
- Người ngựa kiệt sức quá rồi, xin cho tạm nghỉ một chút!
 
Tháo nói:
 
- Đến hẳn Kinh Châu, sẽ nghỉ cũng vừa!
 
Lại đi được độ vài dặm. Tháo ngồi trên ngựa, giơ roi cười sằng sặc lên. Các tướng hỏi:
 
- Thừa tướng lại cười gì thế?
 
Tháo nói:
 
- Người ta khen Chu Du, Gia Cát Lượng lắm mưu nhiều trí nhưng theo ta, chỉ là lũ xoàng thôi. Nếu họ phục sẵn một toán quân ở đây, thì chúng ta đành khoanh tay chịu trói cả.
 
Tháo nói chưa dứt lời, tiếng pháo đâu lại nổ lên đùng đùng, hai bên năm trăm quân đao phủ dàn ra, đi đầu là Quan Vân Trường cầm thanh long đao, cưỡi ngựa xích thố, chắn ngang đường đi. Quân Tào nhìn thấy, ba hồn bảy vía lên mây cả, ngơ ngác nhìn nhau, Tháo bảo các tướng rằng:
 
- Đã đến đường đất này, chỉ còn liều chết mà đánh thôi!
 
Các tướng nói:
 
- Người tuy còn có thể địch nổi, nhưng ngựa thì đã kiệt sức quá rồi, đánh sao được nữa?
 
Trình Dục nói:
 
- Tôi vẫn biết Vân Trường vốn kiêu ngạo với người trên, nhưng không chấp kẻ dưới; coi thường người khoẻ, nhưng không nỡ hiếp người yếu; ân oán phân minh, tín nghĩa rõ ràng. Thừa tướng khi xưa có ân tình với ông ấy, nay nên thân ra kêu cầu, hoạ may mới thoát được nạn này.
 
Tào Tháo nghe lời, tế ngựa ra nghiêng mình nói với Vân Trường:
 
- Tướng quân lâu nay vẫn mạnh khoẻ chứ?
 
Vân Trường cũng nghiêng mình đáp lại:
 
- Tôi phụng mệnh quân sư, đợi thừa tướng ở đây đã lâu.
 
Tháo nói:
 
- Tháo tôi thua trận, thế nguy, đến đây không còn đường nào nữa. Xin tướng quân nghĩ đến tình nghĩa khi xưa làm trọng.
 
Vân Trường nói:
 
- Trước đây, tôi tuy đội ơn sâu của thừa tướng, nhưng đã chém Nhan Lương, Văn Sú, giải vây thành Bạch Mã, để đền đáp rồi. Còn việc hôm nay tôi đâu dám vị chút tình riêng mà bỏ việc công cho được.
 
Tháo nói:
 
- Thế tướng quân còn nhớ đến việc qua năm cửa ải chém sáu tướng không? Đại trượng phu phải trọng điều tín nghĩa. Tướng quân thông hiểu sách Xuân thu, há không biết việc Dữu Công Chi Tư đuổi theo Tử Chạc Nhụ Tử[1]đó ư?
 
Vân Trường xưa nay vẫn là người trọng nghĩa, nhớ đến ân tình Tào Tháo khi xưa đãi mình rất hậu và việc ra khỏi năm cửa ải chém sáu tướng, không khỏi động lòng. Vả lại, trông thấy quân Tào đứa nào cũng rơm rớm nước mắt, đứng run cầm cập, lòng càng không nỡ. Bởi thế, quay ngựa lại bảo quân sĩ rằng: “Bốn mặt giãn cả ra!” rõ ràng có ý tha cho Tào Tháo. Tháo thấy vậy, liền cùng với các tướng kéo ồ cả đi. Vân Trường quay ngựa lại, thì Tào Tháo đã đi qua rồi. Vân Trường quát to lên một tiếng, quân Tào vội xuống ngựa, quỳ lạy, sụt sùi khóc lóc. Vân Trường càng không nỡ, còn đang do dự thì Trương Liêu tế ngựa vừa đến. Vân Trường lại nhớ đến tình bạn cũ, thở dài một tiếng, thả cho đi hết.
 
Người sau có thơ rằng:
 
Tào Man thua chạy đến Hoa Dung
Khéo đâu đường hẻm gặp Quan Công.
Chỉ vì tình nghĩa còn ghi tạc,
Nên để rồng tù thoát xuống sông.
 
Tháo thoát được nạn Hoa Dung, ra khỏi cửa rừng, ngoảnh lại trông quân mình chỉ còn hai mươi bảy tên lính kỵ. Mãi đến chiều tối, sắp tới Nam Quận, lại thấy lửa bốc sáng rực, một đội quân mã kéo ra chặn đường.
 
Tháo hoảng quá, nói:
 
- Thôi! Mạng ta đến đây là hết!
 
Một lát, tiền quân lại gần, té ra quân mã của Tào Nhân. Tháo bấy giờ mới hoàn hồn.
 
Tào Nhân ra nghênh tiếp và nói:
 
- Tuy biết tin thua trận, nhưng không dám bỏ thành đi cứu, nên đóng ở gần để nghênh tiếp.
 
Tháo nói:
 
- Ta suýt nữa không được trông thấy nhà ngươi!
 
Bèn dẫn quân vào Nam Quận nghỉ ngơi. Tiếp đó Trương Liêu cũng về tới nơi, thuật lại chuyện nhân đức của Vân Trường. Tháo kiểm lại các tướng thấy nhiều người bị thương lắm, bèn cho phép nghỉ ngơi cả ở đó.
 
Tào Nhân mở tiệc rượu để Tào Tháo giải buồn, có đủ mặt các mưu sĩ. Tháo bỗng nhiên ngẩng mặt lên khóc hu hu. Các mưu sĩ hỏi:
 
- Khi thừa tướng ở trong hang hổ trốn nạn, còn chẳng sợ hãi gì. Nay đã về đến thành nhà, người được ăn uống thảnh thơi, ngựa được nghỉ ngơi dưỡng sức, lẽ ra nên thu xếp quân mã, để đánh báo thù, việc gì phải khóc?
 
Tháo nói:
 
- Ta khóc Quách Phụng Hiếu đó. Nếu Phụng Hiếu còn sống thì không đến nỗi có trận thua này.
 
Nói rồi vỗ bành bạch vào bụng và khóc rằng:
 
- Thương xót thay Phụng Hiếu! Đau đớn thay Phụng Hiếu! Mến tiếc thay Phụng Hiếu!
 
Các mưu sĩ ai cũng hổ thẹn, nín lặng chẳng ai nói gì cả.
 
Hôm sau, Tháo gọi Tào Nhân vào bảo rằng:
 
- Ta nay phải về Hứa Đô, thu xếp quân mã, để đánh báo thù. Ngươi cần giữ vững lấy Nam Quận. Ta có một mật kế trong phong giấy này, khiến Đông Ngô không dám nhòm ngó Nam Quận nữa.
 
Tào Nhân bẩm:
 
- Còn Hợp Phì, Tương Dương, thì nên giao cho ai giữ?
 
Tháo nói:
 
- Kinh Châu giao cho ngươi trông nom; Tương Dương ta đã sai Hạ Hầu Đôn đến giữ rồi. Còn Hợp Phì là nơi hiểm yếu nhất ta sai Trương Liêu làm chủ tướng, Lý Điển, Nhạc Tiến làm phó tướng, trấn thủ đất ấy. Nếu có việc gì nguy cấp thì phi báo cho ta biết.
 
Tháo dặn dò đâu đấy, rồi dẫn các tướng lên ngựa về Hứa Đô, lại đem theo cả các quan văn võ đã hàng ở Kinh Châu đi, Tào Nhân sai Tào Hồng giữ Di Lăng và Nam Quận, để phòng Chu Du đến cướp.
 
Lại nói, Quan Vân Trường tha Tào Tháo, rồi dẫn quân trở về. Bấy giờ các đạo quân đều bắt được ngựa, khí giới, tiền lương, đem cả về Hạ Khẩu. Chỉ có Vân Trường về tay không, ra mắt Huyền Đức. Khổng Minh đang chúc mừng Huyền Đức, thấy nói Vân Trường đến, vội vàng đứng lên cầm chén rượu ra đón và nói rằng:
 
- Mừng tướng quân lập được công to nhất một đời, và trừ được hại lớn cho cả thiên hạ! Đáng lẽ tôi phải ra tận xa đón mừng mới phải!
 
Vân Trường nín lặng chẳng nói gì. Khổng Minh lại nói:
 
- Hay là tại chúng tôi không ra ngoài xa đón tiếp, cho nên tướng quân không bằng lòng chăng?
 
Rồi ngoảnh lại bảo tả hữu:
 
- Sao các ngươi không báo tin cho ta biết trước?
 
Vân Trường nói:
 
- Tôi xin đến chịu tội.
 
Khổng Minh nói:
 
- Hay là Tào Tháo không chạy qua đường Hoa Dung chăng?
 
Vân Trường đáp:
 
- Chính hắn chạy qua đường ấy, nhưng vì tôi bất tài, nên hắn chạy thoát được.
 
Khổng Minh hỏi:
 
- Thế có bắt được tướng sĩ nào không?
 
Vân Trường đáp:
 
- Không bắt được gì cả.
 
Khổng Minh nói:
 
- Thôi! Chắc là Vân Trường nghĩ đến ân Tào tháo khi xưa, cố ý tha cho hắn rồi. Tờ cam kết hiện còn ở đây, không thể không chiếu theo quân luật được!
 
Liền quát võ sĩ lôi Vân Trường ra chém:
 
Đó là:
 
Cũng liều một chết đền ơn cũ,
Nên để nghìn thu nức tiếng thơm.
 
Chưa biết tính mạng Vân Trường ra thế nào, xem đến hồi sau sẽ rõ.
 
   
小语种学习网  |  本站导航  |  英语学习  |  网页版
01/13 22:32
首页 刷新 顶部