Lý Hạ thuộc dòng dõi tôn thất dưới thời nhà Đường, thuở nhỏ cực kỳ thông minh đĩnh ngộ nhưng vì huý kỵ tên cha là Tấn Túc nên không đi thi. Cả đời ông chỉ làm một chức quan nhỏ là Phụng lễ lang (trông coi về nghi lễ), lên bảy tuổi đã biết làm thơ, từng đem thi ca chấn động cả kinh sư. Danh sĩ nổi tiếng đương thời là Hàn Dũ vì mến tài ông mà viết bài biện huý nhưng rốt cuộc Lý Hạ chưa kịp ứng thí thì đã yểu mệnh.
Trong lịch sử Đường thi, cùng với huyền thoại Thi Tiên Lý Bạch nhảy xuống sông ôm trăng rồi cưỡi kình ngư bay lên trời, thì cái chết của Lý Hạ được đời sau truyền lại cũng nhuốm màu huyền thoại: khi ông bệnh nặng, bỗng có một vị tiên mặc áo lụa đào, cưỡi con rồng màu đỏ bay đến bên cửa, tay cầm một cuốn sách trao cho Lý Hạ và nói: Thượng đế đã cho xây xong lầu Bạch Ngọc, xin mời ông lên gấp để viết cho bài ký (Đế thành Bạch Ngọc lâu, lập chiêu quân vi kí). Lát sau thì Hạ mất (theo Tiểu truyện Lý Hạ-Lý Thương Ẩn).
Khi bàn về cái chết kỳ dị của Hạ, người đời cho rằng được Thượng đế mời lên thì Hạ là tiên, còn những kẻ ngàn năm sợ hãi ngưu thần xà quỷ thì gán cho ông là quỷ. Do gia cảnh cơ hàn, lại sống trong thời đại môn phiệt đang thịnh nên dù có tài, ông cũng vẫn phải chịu mọi sự rẻ rúng và đả kích. Nỗi niềm phẫn uất của kẻ tài cao phận thấp, sinh bất phùng thời nếu bị câu nệ vào chữ nghĩa mà chỉ thấy hư ảo và quái đản thì hậu thế chỉ có thể biết một Lý Hạ-quỷ tài mà không thấy được một Lý Hạ-quỷ thi.
Sinh thời, Trường Cát không có ý định ghi danh thiên cổ nên thơ ca ít được lưu giữ và tổn thất phần nhiều. Tác phẩm của ông, có lần bị người anh họ vì ghen ghét, đố kỵ nên đã đem bản thảo ném vào nhà xí. Về sau, người đời gom góp lại được mấy trăm bài và đặt tên ban đầu là Lý Hạ tập (theo thiên Văn nghệ chí cuốn Đường sử, Tống sử và Trình thị thông chí), sau đổi tên là Xương Cốc tập. Hiện nay tập thơ ông có tên là Lý Trường Cát ca do lấy từ bài tựa của Đỗ Mục theo bản sưu tập của Ngô Tây Quyền.