Thứ 6, 09:56, 19/09/2014
VOV.VN - Lần đầu tiên, một vở kịch có sự kết hợp với âm nhạc hiện đại như nhạc pop sẽ được thể hiện trên sân khấu nhà hát Tuổi trẻ.
Vở kịch kinh điển làm nên tên tuổi của tác giả, nhà soạn kịch nổi tiếng thế giới Bertolt Brecht (1898 – 1956) sẽ đến với khán giả Việt Nam với hơi thở và phong cách mới qua “bàn tay” dàn dựng của đạo diễn người Đức Dominik Guenther. Trước khi vở kịch “Vòng phấn Kavkaz” được công diễn tại Hà Nội vào ngày 17/9, phóng viên VOV có trò chuyện với đạo diễn Dominik Guenther.
PV: Lần đầu tiên sang Việt Nam, vì sao đạo diễn Dominik Guenther lại chọn tác phẩm của Bertolt Brecht để dàn dựng?
Đạo diễn Dominik Guenther: Về nội dung, vở kịch nói về sự ích kỉ của con người trong xã hội. Khán giả sẽ được chứng kiến một xã hội thu nhỏ, trong đó con người sẽ luôn đấu tranh vì quyền lợi của bản thân, về những điều mình sẽ đạt được hơn người khác. Trong xã hội đấy xuất hiện một nhân vật chính - cô Grusche. Cô ấy đã có lối cư xử khác hẳn, không ích kỉ vì quyền lợi cá nhân của mình.
Đặc trưng vở kịch của Bertolt Brecht là sự dẫn dắt câu chuyện có thể không có thật. Ví dụ hình ảnh đất nước Gruzia hay hình ảnh chiến tranh, sự thống trị của viên Tổng trấn tại đất nước đó là không có thật. Nhưng thông qua những câu chuyện có yếu tố hư cấu, khán giả vẫn tìm được một triết lý nào đó trong thế giới thật của mình. Bertolt Brecht không bao giờ viết một vở kịch chỉ dành riêng cho một xã hội, của một đất nước nào cụ thể.
PV: Được biết, vở kịch “Vòng phấn Kavkaz” là một tác phẩm kinh điển nhưng được dàn dựng với phong cách hiện đại, kết hợp nhạc pop. Đây có phải là cách để ông đưa nội dung một tác phẩm kinh điển gần hơn với công chúng hiện đại?
Đạo diễn Dominik Guenther: Chúng tôi phải cố gắng để vở kịch của mình trở nên dễ hiểu hơn với khán giả. Thời bây giờ, con người có rất nhiều cơ hội, lựa chọn khác nhau để xem một chương trình thú vị. Khán giả cũng không còn là những người lớn tuổi như trước đây mà còn là những bạn trẻ với những suy nghĩ mới. Và muốn thu hút được khán giả thì điều cần thiết là các nhà hát phải đổi mới để lôi kéo khán giả, để họ đến nhà hát và xem các vở kịch của mình.
Trong thời gian vở kịch diễn ram tôi sẽ cố gắng làm cho khán giả bận rộn, không có một chút thời gian nào để làm việc khác như nhắn tin điện thoại mà họ hoàn toàn tập trung vào vở kịch của tôi.
PV: Nghệ thuật tự sự và biện chứng là một đặc trưng của Bertolt Brecht. Điều đó được thể hiện như thế nào qua vở kịch này, thưa ông?
Đạo diễn Dominik Guenther: Vở kịch này không mang tính chất đóng như những vở kịch trước đây mà rất mở. Nó thể hiện mối liên hệ giữa diễn viên và khán giả. Khán giả luôn được lôi kéo vào vở kịch, cùng có những phản ứng lại với vở kịch. Đặc điểm đó được thể hiện trong vở kịch “Vòng phấn Kavkaz” là người ca sĩ – nhân vật đóng vai trò là người kể chuyện, người điều khiển vở kịch, làm sao để lôi kéo khán giả vào vở kịch.
Ở Bertolt Brecht, khán giả sẽ tự đặt câu hỏi cho mình và tìm cách trả lời vấn đề của riêng mình. Bản thân vở kịch sẽ có những động chạm đến nhiều vấn đề riêng tư, khơi dậy được một điều gì đó ở khán giả. Khán giả sẽ luôn cùng suy nghĩ với vở kịch, cùng tìm hướng giải quyết chứ không bị động. Khán giả sẽ không bao giờ biết chuẩn xác điều gì đang xảy ra. Nghệ thuật đương đại là sự pha trộn của rất nhiều phong cách như của Bertolt Brecht, Shakespeare, Stanisław Lem. Đây là sự pha trộn mà tôi nghĩ ra và đó là một thế mạnh của tôi. Bởi tôi thích làm việc với những sự pha trộn đó và không phụ thuộc vào một phong cách cụ thể nào.
PV: Sau 4 tuần tích cực luyện tập, ông nhận xét như thế nào về sự hợp tác diễn xuất của diễn viên nhà hát Tuổi trẻ?
Đạo diễn Dominik Guenther: Họ đã rất dũng cảm để thử một điều mà từ trước tới giờ họ chưa từng làm trên sân khấu. Tôi nhận ra rằng, họ đã tin tưởng tôi và họ đã hợp tác rất tốt. Không chỉ với diễn viên, tôi cũng hi vọng rằng với khán giả đây cũng là chuyến phiêu lưu mạo hiểm thú vị. Tôi cũng hồi hộp chờ đợi không biết khán giả có đón nhận vở kịch như các diễn viên của tôi hay không.
PV: “Vòng phấn Kavkaz” do anh dàn dựng đã được biểu diễn ở bao nhiêu đất nước?
Đạo diễn Dominik Guenther: Tôi đã làm vài vở kịch của Bertolt Brecht nhưng đây là lần đầu tiên dàn dựng vở “Vòng phấn Kavkaz”. Với tôi, từ trước tới giờ, mỗi vở kịch chỉ làm một lần mà thôi. Tôi cảm thấy mỗi vở kịch nếu làm lại sẽ lặp lại những cái cũ và tôi không còn sức sáng tạo cho vở kịch của mình nữa.Nhưng thật là may mắn vì có hàng ngàn, hàng ngàn vở kịch để cho tôi tiếp tục sáng tạo và làm việc.
PV: Cảm ơn đạo diễn Dominik Guenther!/.