Trong nhịp sống tốc độ và hiện đại thời đô thị hoá, công nghiệp hoá, mấy nơi còn tồn tại cảnh bà ru cháu, mẹ ru con, chị ru em trên cánh võng; mấy ai còn được nghe đỉệu à ơi quen thuộc với người làng quê phía bắc có “rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì” và điệu ầu ơ miệt vườn châu thổ xanh ngắt dừa xanh phương nam?
Trong tâm cảnh đó, thấy quý biết mấy tiếng thơ “Tiếng võng đưa” của thi sĩ Bàng Bá Lân khơi nguồn thi tứ từ tiếng võng ru hồn người Việt từ thủa lọt lòng ở những thời chưa hẳn đã quá xa xôi, đã quá xa xưa. . .
Nhớ lắm những câu thơ chẳng chút hào hoa, những câu thơ “thật như đếm” mà thấm thía lòng ai xa quê xa nước nay thời gian đã nhuộm trắng mái đầu:
Tiếng võng nhà ai ru trẻ
Nặng nề chậm chạp đong đưa
Cót ca cót két nhịp thơ muôn đời
Thi nhân xứ Phủ Lạng Thương thời tiền chiến, người để lại hai câu thơ sáu-tám “hỡi cô tát nước bên đàng-sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi”, hai câu “ tuyệt diệu từ” tới mức không biết bao nhiêu bậc thức giả và độc giả vẫn lầm tưởng đấy là hai câu ca dao đã vượt thời gian mấy trăm năm, quả là ông đã thổi hồn dân tộc vào tiếng võng đưa:
Đêm dài nhịp tiếng võng đưa
Lời ru dìu dặt ngàn xưa vọng về
Bởi vậy “ Tiếng võng đưa” với biết bao nhiêu cung bậc tình cảm của người mẹ, người chị, người phụ nữ Việt trong nam ngoài bắc gửi vào những là ầu ơ. . . “ví dầu cầu ván đóng đinh-cầu tre lắt lẻo gập gình khó đi”, những là à ơi “ trèo lên cây bưởi hái hoa-bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân-nụ tầm xuân nở ra xanh biếc”… Tiếng võng đưa cộng cảm tâm hồn Việt, lay động dây tơ tình tự dân tộc cũng là lẽ thường. Viết lời giới thiệu “Tiếng võng đưa”, học giả nname productid="Lê Văn Siêu" w:st="on">Lê Văn Siêu bình giảng rằng “tiếng võng đưa kẽo kẹt ấy vẫn là tiếng ngân dài của năm ngàn năm lịch sử trong lòng con dân Việt”. Tiếng võng đưa ngân dài, âm thanh Việt ngân dài, tiếng Việt ngân dài, âm vọng trong nỗi buồn vui xứ ngưòi, nhất là những ai vì cảnh ngộ riêng tư phải sống chìm lấp trong môi trường bản xứ, thiếu vắng hoàn toàn thứ tiếng mẹ đẻ “ óng tre ngà mà mềm mại như tơ” như thi sĩ Lưu Quang Vũ đã thi cảm. Vâng, cái tiếng nói ngàn năm, ngàn đời ấy tuy không phải thuộc hàng “đại gia ngôn ngữ” của nhân loại thời hiện đại toàn cầu hoá này, lại càng không phải một thứ ngữ đã xây nên những toà tháp văn chương kỳ vĩ như nhiều cường quốc văn hoá khác, thế nhưng hơn ai hết, những người cầm bút Việt xa xứ sở nhận ra rằng chỉ có dùng tiếng mẹ đẻ thì văn chương của họ mới mong “chạm” được tâm tư tình cảm độc giả cùng cảnh ngộ định cư nơi đất khách quê người như mình. Nhà văn họa sĩ Võ Đình quê gốc Huế, người đã học và sống thành danh với văn chương và nghệ thuật hội hoạ ở Pháp rồi ở Mỹ hơn nửa thế kỷ tự bạch: “tôi khám phá ra rằng khi tôi viết tiếng Việt, sự sống tuôn chảy từ cân não, từ kinh mạch tôi về bàn tay, thấm qua cây bút xuống mặt giấy. Viết tiếng Anh, tiếng Pháp tôi chưa hề có được cái cảm giác ấy. Viết tiếng Việt tôi có cảm tưởng tôi xoi một mũi nhọn thật mảnh thật dài vào tận trong cùng tâm não tôi dò la mò mẫm, lục lạo tìm tòi cho đến khi diễn đạt được vừa ý là lúc mũi nhọn đã chạm tới được sự hiện hữu của chính con người tôi. Thì ra mấu chốt nó nằm ở đây; tôi viết để mài dũa cái nhanh nhậy của cảm xúc. Viết là thể hiện cả con người. Viết là sống. Viết cũng là cất tiếng gọi đò. . .”
Ai chẳng biết người cầm bút chỉ cất tiếng gọi đò cho đồng bào của mình nơi chân mây cuối trời khi tâm hồn họ còn đồng vọng tiếng võng đưa, tiếng ầu ơ ví dầu phương nam, tiếng à ơi phương bắc, nghĩa là họ còn yêu lắm lắm tiếng mẹ đẻ - loại gạch cổ xây nền đắp móng cho toà thành văn chương Việt Nam./.