Nguyên ý chỉ đem than củi cho người ta sưởi khi trời xuống tuyết. Nay thường dùng để ví về việc giúp đỡ người khác trong lúc gặp khó khăn.
Câu thành ngữ này có xuất xứ từ "Đại tuyết tống thán dự giới ẩn".
Phạm Thành Đại là một nhà thơ nổi tiếng thời Nam Tống, khi cáo lão hoàn hương đến sống ẩn cư ở Thạch Hồ Tôn nên có biệt danh là cư sĩ Thạch Hồ. Ông sáng tác được khá nhiều thơ ca với phong cách mới mẻ và tao nhã, Ông đã để lại cuốn "Thạch Hồ cư sĩ thi tập" cùng nhiều bài thơ nổi tiếng khác, trong bài "Đại tuyết tống thán dự giới ẩn" có hai câu thơ: "Bất thị tuyết trung tuy tống thán, Liêu trang phong cảnh yếu thi lai". Nên câu thành ngữ trên là có xuất xứ từ bài thơ này.
Trong "Tống sử – Thái Tông kỷ" có kể lại một câu truyện như sau: Vào một mùa đông giá rét, ngoài trời tuyết rơi trắng xóa, vua Tống Thái Tông đang ngồi trong cung bên cạnh lò than sưởi ấm. Khi nhà vua nhìn ra ngoài cửa sổ thấy tuyết rơi đầy trời thì chạnh lòng nghĩ tới những người nghèo khó trong thiên hạ, họ thiếu ăn thiếu mặc, đang khắc khoải chịu đựng đói rét dưới mưa tuyết. Tức thì, nhà vua liền cử các quan viên nhanh chóng vận chuyển nhiều lương thực và than củi đi các nơi phân phát cho những người nghèo và các cụ già neo đơn.