Câu thành ngữ này có xuất xứ từ truyện "Người bắt rắn nói" của Liễu Tông Nguyên triều nhà Đường.
Thời nhà Đường, nhằm trù bị chi phí quân dụng và thỏa mãn lòng tham vô đáy của mình, tầng lớp thống trị đã ra sức bóc lột thậm tệ, khiến đời sống nhân dân vô cùng cực khổ.
Năm đó, nhà văn nổi tiếng triều nhà Đường Liễu Tông Nguyên bị giáng chức xuống làm Tư mã ở Vĩnh Châu. Ông đã tận mắt chứng kiến cuộc đời nghèo khổ của nhân dân, đã viết ra mẩu truyện "Người bắt rắn nói", để phê phán xã hội đen tối thời bấy giờ.
Truyện "Người bắt rắn nói" đã kể về cuộc đời cực khổ của một người bắt rắn. Nhà anh này ba đời đều sống bằng nghề bắt rắn. Ông và cha đều đã bị rắn độc cắn chết, nhưng anh ta vẫn kiên trì sống bằng nghề bắt rắn. Vậy tại sao anh ta lại không chịu bỏ cái nghề bắt rắn vừa khó nhọc lại vừa nguy hiểm này? Anh nói: "Tuy nghề bắt rắn vừa vất vả vừa nguy hiểm, nhưng so với nghề làm ruộng thì còn khá hơn nhiều. Những người hàng xóm của tôi sống bằng nghề đồng áng, người cùng thời với ông tôi thì hiện nay chỉ còn lại một nhà; Còn người cùng thời với cha tôi thì trong mười nhà chỉ còn lại hai ba nhà. Còn người cùng thời với tôi sống trong 12 năm qua, thì mười nhà cũng chỉ còn lại có bốn năm nhà. Họ ra đi lánh nạn hoặc di dời sang nơi khác. Đó là vì các quan lại thường vào làng thúc thuế, không những đã khiến người nơm nớp lo sợ, mà ngay đến gà chó cũng không được yên. Còn chúng tôi thì khác, mỗi năm chỉ cần bắt mấy con rắn độc là được. Cho nên tôi không muốn bỏ nghề này".
Hiện nay, người ta vẫn thường dùng câu "Kê khuyển bất ninh " để miêu tả sự nhiễu loạn, không được yên ổn.