Câu thành ngữ này có xuất xứ từ "Tam quốc chí - Ngụy chí - Lư Dục truyện".
Thời Tam quốc vào khoảng hơn 2 nghìn năm trước, nước Ngụy có một vị đại thần tên là Lư Dục. Lư Dục là một vị quan liêm khiết, nhậm chức Thị trung hầu hạ bên cạnh nhà vua. Ba năm sau, Lư Dục lại được thăng chức trung thư lang, chuyên phụ trách viện cơ mật và khởi thảo sắc lệnh. Về sau, Lư Dục lại được cử làm Lịch bộ thượng thư, phụ trách công việc thăng miễn chức vụ và điều động các quan lại trong cả nước.
Một hôm, vua Ngụy sai Lư Dục đi tuyển chọn một người về giữ chức Trung thư lang và dặn rằng: "Việc tuyển chọn chức Trung thư lang lần này có tìm được người xứng đáng hay không là nhờ vào khanh cả. Trong khi tuyển chọn, khanh phải hết sức tránh những người có tiếng không có miếng, vì danh tiếng thật chẳng khác nào chiếc bánh vẽ không thể ăn cho đỡ đói được ".
Lư Dục không tán thành ý kiến này và nói rằng: "Bệ hạ nói rất có lý, muốn tuyển chọn một nhân tài thực sự thì không thể chỉ thiên lệch về người có danh tiếng, nhưng theo ý thần thì danh tiếng cũng có thể phản ánh được năng lực của người ta. Căn cứ vào danh tiếng mà tuyển chọn nhân tài loại thường thì hạ thần thấy cũng xuôi thôi . Có những người rất có tiếng tăm, hơn nữa họ có tu dưỡng cao và đức hạnh tốt, những người này cũng cần phải suy xét tới, chứ không nên hắt hủi họ. Thần kiến nghị bệ hạ nên tiến hành thi cử, chứ không nên mới chỉ nghe họ có tiếng tăm là đã chán nghét rồi bài xích họ".
Vua Ngụy cảm thấy lời nói của Lư Dục rất có lý, nên đã chấp nhận kiến nghị này, rồi ra lệnh đặt ra luật thi cử quan chức.
Hiện nay, người ta vẫn dùng câu thành ngữ "Họa bánh xung cơ" để ví với hư danh, không giải quyết được vấn đề thực tế, hoặc dùng sự suy tưởng viển vông để an ủi mình.