1. Lịch sử là do các nhà học giả viết, cho nên lẽ tự nhiên họ thích cho rằng hoạt động của tầng lớp họ là nền tảng của cuộc vận động lịch sử cũng như thương nhân và binh sĩ thích cho rằng hoạt động của họ mới là nền tảng của cuộc vận động (điều này không lộ ra chẳng qua là vì thương nhân và binh sĩ không viết lịch sử) và
2. Hoạt động trí tuệ, giáo dục, văn minh, văn hoá, tư tưởng tất cả những cái đó đều là những khái niệm mơ hồ không được xác định; ở dưới lá cờ của nó người ta tha hồ dùng những từ ngữ còn ít rõ nghĩa hơn và do đó dễ dàng thích hợp với bất kỳ lý thuyết nào.
Nhưng dù chưa nói đến giá trị nội tạng của loại sở học này (có lẽ đối với một người nào đó hay đối với một việc nào đó nó cũng cần thiết và hiện nay nội dung của tất cả các tác phẩm thông sử xét về thực chất đang bắt đầu có tính chất văn hoá sử ngày càng rõ rệt), các tác phẩm văn hoá sử, cũng có một điểm này đáng chú ý. Đó là mặc dầu nó nghiên cứu nghiêm túc và tỉ mỉ các học thuyết tôn giáo, triết học, chính trị, cho đó là nguyên nhân của các biến cố, nhưng hễ nó phải miêu tả một biến cố lịch sử có thực như chiến dịch 1812 chẳng hạn thì vô hình chung nó lại miêu tả biến cố này như sản phẩm của quyền lực và nói không úp mở rằng chiến dịch này là do ý muốn của Napoléon mà ra. Trong khi nói như vậy, các nhà văn hoá sử vô hình chung đã tự mâu thuẫn với mình vì họ cho thấy rằng cái sức mạnh mới mà họ đặt ra không biểu hiện được những biến cố lịch sử và biện pháp duy nhất để hiểu lịch sử lại chính là cái quyền lực mà đường như họ không thừa nhận.
Chú thích:
(1) Pierre Lanfrey (1828-1877) tác giả "Lịch sử Napoléon"
(2) Gervinus (1805-1871), sử gia Đức. Schlossor (1776- 1861) tác giả "Lịch sử thế giới" gồm 19 quyển
(3) "Contrat social" tác phẩm của nhà văn và tư tưởng Pháp thế kỷ 18 J.J. Russeau