Ngày xửa ngày xưa, có một anh nông dân hiền lành chăm chỉ. Cha mẹ không may mất sớm, vợ con chưa có, mình anh suốt ngày cặm cụi với công việc đồng áng. Hàng xóm láng giềng cần gì, anh vui vẻ giúp mà chẳng quản ngại khó khăn. Một hôm anh vào rừng đốn củi, chợt nghe thấy tiếng chim kêu thoảng thốt:" Tẹc! Tẹc! Cứu! Cứu" Một con chim sẻ bé bỏng đang tìm cách thoát khỏi chiếc mỏ dữ tợn của con quạ to tướng, đen ngòm. Anh nông dân thương con chim nhỏ, vội vàng nhặt đá ném quạ ác. Qụa giật mình bỏ mồi bay lên, miệng kêu quàng quạc:"
"Quà! Quà! Cứ đợi đấy, tao sẽ cho mày biết tay!".
Chim sẻ được chàng trai chăm sóc, trong giây lát đã hồi tỉnh. Chim chấp chới bay đi, lát sau quay lại, thả vào tay anh một chiếc lọ nhỏ rồi nói:
-"Ðây là lọ nước thần có phép làm cho người già thì trẻ lại, vật nhỏ thì lớn thêm, trần gian không ai có". Từ chiếc lọ nhỏ, mùi hương ngào ngạt bay ra. Anh nghĩ bụng: - Những thứ này chỉ để cho các bà quan làm đỏm, có đâu để hạng chúng ta dùng". Rồi anh từ biệt chim sẻ, gánh củi về và treo lọ trên kèo nhà.
Mấy năm sau, ở làng bên có cô gái thấy anh hiền lành chăm chỉ, nên đem lòng thương yêu rồi nhận lời làm vợ. Cuộc sống tuy vất vả, nghèo khó, song hai vợ chồng rất mực thương nhau.
Hôm ấy anh nông dân đi cày ruộng xa, chị ở nhà quét dọn nhà cửa; Thấy chiếc lọ con bị mạng nhện bám đầy trên kèo nhà, chị tò mò bắc ghế lấy xuống mở nút ra xem. Mùi hương ngào ngạt từ chiếc lọ bay ra, khiến chị hít hà hoài mà không chán.
Công việc xong xuôi, chị nấu nước tắm gội sạch sẽ, sẵn tiện có chiếc lọ hương, chi đổ ra rồi xức lên tóc tai, mình mẩy. Chị bỗng trở lên xinh đẹp lạ thường. Nước thần rơi xuống mấy khóm hành bên giếng, làm chúng lớn phồng lên, củ to như bình vôi, dọc dài bằng đòn gánh.
Khi người chồng đi cày về nhìn mặt vợ thì ngẩn cả người cứ tưởng là tiên sa xuống cõi trần, nếu không có tiếng nói thì cơ hồ anh không nhận ra là vợ mình. Nghe vợ nhắc đến lọ nước thơm, anh mới sực nhớ tới chuyện đền ơn của con chim sẻ trước đây. Nỗi mừng biết lấy chi cân, anh ngắm vợ mãi không chán mắt, rồi kể lại câu chuyện cũ cho vợ nghe.
Từ đấy anh cứ quấn quýt lấy vợ không rời. Công việc đồng áng vì thế cũng mười phần bê trễ. Nhưng không làm thì lấy gì mà ăn. Anh đành thuê thợ vẽ hình chị, để mỗi khi ra đồng ngắm cho đỡ nhớ.
Mấy hôm sau, có một con quạ cứ lượn lờ nơi anh cày ruộng. Nó chờ đến buổi trưa, lúc anh sơ sểnh liền xà xuống quắp lấy bức tranh mang đi. Qụa vội vã cất cánh bay cao, chỉ trong một thoáng là mất hút. Anh nông dân chỉ biết nhìn theo, giậm chân kêu trời.
Quạ bay mãi tới kinh đô, thả xuống ở sân rồng. Bọn thị vệ thấy sự lạ lùng, bèn nhặt lên đem trình vua. Cầm lấy bức truyền thần vua ngắm nghía mãi không chán mắt, quên cả các quan đang đứng chầu. Vua nghĩ thầm: "Trong ba cung sáu viện của ta đã có nhiều người đẹp, nhưng chưa có người nào đẹp bằng người đàn bà trong tranh này. Hẳn là trời sai con quạ đến mách cho ta đây!".
Lập tức vua ban chiếu chỉ lệnh, lệnh cho quân quan phải tìm cho được người đàn bà đã vẽ trong tranh mang về. Ai tìm thấy sẽ được trọng thưởng.Các quan không bỏ lỡ dịp lập công, liền cho người về các địa phương sục sạo khắp hang cùng ngõ hẻm. Họ bày ra nhiều hội hè ở các khắp nơi cho dân chúng đổ về xem . Mỗi lần thấy dân tập hợp đông đúc, chúng đưa bức tranh ra giả tảng nói là tình cờ bắt được, người nào mất thì đến mà nhận, hoặc giả ai biết chủ nhân của bức tranh sẽ được thưởng hậu, nghe thế, mọi người nghe vậy, liền rủ nhau đổ về xem đông nghịt.
Anh nông dân biết tin ấy, vội vã tới nơi xem hội. Khi vừa nhìn thấy bức tranh, anh mừng rỡ chạy tới, miệng rối rít cảm ơn:
" May cho con quá, đây là bức tranh của con bị mất. con đi tìm mãi! Con đội ơn các quan!"
Đám quân quan chỉ chờ có thế, vội vã lén theo anh về nhà. Khi vừa nhìn thấy vợ anh, lũ lính liền bắt trói anh lại, rồi đưa nàng lên kiệu về kinh, mặc kệ anh nông dân đang kêu khóc van xin.
Từ khi bị bắt vào cung, chị vợ không nói không cười, áo đẹp không mặc, đầu không chải và không cho một ai đến gần. Suốt ngày chỉ u rũ, và ngồi bên bâu cửa buồn bã. Vua làm mọi cách dỗ dành, chiều chuộng, song chị vẫn không mở miệng cất tiếng 1 câu. Vua đành hạ lệnh cho rao trong dân chúng hễ ai có cách gì làm cho nàng cười nói lên được, thì sẽ ban thưởng cho quan cao lộc hậu. Nghe tin này, có nhiều người, từ những vai hề nổi tiếng, những ông trạng cười cho đến các bậc lương y, các pháp sư phù thủy v.v... đua nhau trẩy kinh hy vọng dùng tài phép làm cho người đẹp phải buột miệng nói cười. Nhưng dù đã giở đủ mọi trò, đều vô hiệu.
Người chồng ở nhà buồn rầu héo hon. Khi nghe tin loan báo, biết vợ mình đang ở cung vua, anh nhổ mấy khóm hành cạnh giếng quẩy vào kinh tìm vợ. Ðến kinh đô, anh quảy gánh của mình đi lại trước cửa hoàng cung rao to:
Dọc bằng đòn gánh
Củ bằng bình vôi
Ai mua hành tôi
Thì thương tôi với!
Nghe tiếng rao nét mặt của người đẹp tự nhiên tươi tỉnh. Cuối cùng, nàng quay lại bảo thị nữ:
- Em hãy gọi người bán hành vào cho ta!
Khi nhìn thấy mặt chồng, chi bật cười vui mừng. Thấy người đẹp đột nhiên thay đổi, vua mừng rỡ như mở cờ trong bụng. Vua ngỡ là nhờ những cây hành kỳ lạ này mà người đẹp nói cười. Ngài liền bảo anh chồng:
- Hãy đặt gánh hành lại đó và cởi áo ra mau!
Vua đổi áo cho anh nông dân, rồi nhún nhảy trước sân rồng đọc câu hát rao. Thấy người đẹp cười nghiêng ngả, ông ta càng lấy làm thích chí rao to:
" Dọc bằng đón gánh"...
Đám chó trong cung không nhận ra vua, liền nhảy xổ tới cắn. Vua sợ hãi chạy đi, la lớn:
"Lính đâu mau cứu ta!"
Nhưng tất cả quan quân trong triều đều chán ghét ông vua tham tài, háo sắc, nên chẳng ai đáp lại lời kêu ấy.
Thần dân trăm họ thấy anh nông dân hiền lành đức độ, chị vợ đẹp người đẹp nết, liền tôn lên làm vua và hoàng hậu. Đức vua mới lên ngôi đã chăm lo việc triều chính, lo cho cuộc sống an lạc của nhân dân. Dưới thời trị vì của chàng, ai có công thì được thưởng, có tội thì phạt. Dân chúng sống trong cảnh lo ấm. yên vui.