行业分类
《三国演义》第二十二回
日期:2011-07-08 14:07  点击:467

Hồi 22

 

Viên, Tào đều cất ba quân mã bộ;

Quan, Trương cùng bắt hai tướng Vương, Lưu

 

 

 

Trần Đăng hiến kế cho Lưu Bị rằng:

 

- Tào Tháo chỉ sợ Viên Thiệu. Thiệu nay như hổ ngồi giữ ở các quận Ký, Thanh, U và Tinh. Quân mặc áo giáp có vài trăm vạn; văn quan võ tướng rất nhiều, sao không viết thư sang đó mà cầu cứu?

 

Huyền Đức nói:

 

- Thiệu và tôi chưa có đi lại với nhau bao giờ, vả lại vừa đánh em hắn, sao hắn chịu giúp.

 

Đăng nói:

 

- Ở đây có một người, ba đời thông gia với họ Viên, nếu được người ấy đưa thư sang cho Thiệu, tất Thiệu đem quân lại cứu.

 

Huyền Đức hỏi ai, Đăng nói:

 

- Người ấy là người ông xưa nay vốn kính lễ, sao nay lại quên?

 

Huyền Đức chợt nghĩ ra, hỏi:

 

- Có phải Trịnh Khang Thành tiên sinh không?

 

Đăng cười, nói:

 

- Chính phải!

 

Nguyên Trịnh Khang Thành tên là Huyền, chăm học, nhiều tài, khi trước là học trò Mã Dung. Mỗi khi Dung dạy học, bao giờ cũng treo một bức màn đỏ, ngoài thì học trò ngồi, trong thì đông những nhà trò, con gái đứng hầu. Trịnh Huyền đến học trong ba năm, mắt không trông ngang. Dung lấy làm lạ. Đến khi Trịnh Huyền học xong, trở về nhà. Dung than rằng:

 

- Học được bí truyền của ta, chỉ có một Trịnh Huyền.

 

Trong nhà Trịnh Huyền, thị tì đều thuộc Mao Thi[1].

 

Có một thị tì làm trái ý Huyền, Huyền bắt quỳ mãi dưới thềm, một thị tì khác hỏi đùa:

 

- “Hồ vi hồ nê trung?”[2]

 

Người kia lập tức đáp ngay:

 

- “Bạc ngôn vãng tố, phùng bỉ chi nộ”.[3]

 

Như thế thực là phong nhã.

 

Đời vua Hoàn đế, Trịnh Huyền làm quan thượng thư. Đến sau gặp loạn mười tên hoạn quan, Huyền bỏ quan về ở Từ Châu làm ruộng. Huyền Đức khi ở Trác Quận đã thờ làm thầy, đến khi làm mục ở Từ Châu, thường thường vẫn đến hầu rất mực tôn kính.

 

Bấy giờ Huyền Đức nghĩ ra người ấy, lấy làm may mắn, liền cùng Trần Đăng đi đến nhà Trịnh Huyền, xin Huyền viết thư cho Viên Thiệu. Huyền nhận lời viết ngay một bức thư, giao cho Huyền Đức. Huyền Đức sai Tôn Càn đi suốt ngày đêm đưa thư đến Viên Thiệu.

 

Thiệu xem xong nghĩ rằng:

 

- Huyền Đức vừa đánh em ta, đáng nhẽ không giúp, nhưng vì có lời của Trịnh thượng thư, đành phải đi cứu.

 

Thiệu liền họp các văn võ bàn việc cất quân.

 

Mưu sĩ là Điền Phong can rằng:

 

- Mấy năm khởi binh luôn, nhân dân mỏi mệt, kho tàng trống rỗng, không nên lại khởi đại quân. Trước hết hãy sai người dâng biểu tâu công thắng trận lên thiên tử, nếu biểu không dâng lên được, bấy giờ sẽ kể tội cho Tào Tháo, rồi đem binh đóng ở Lê Dương, làm thêm thuyền bè ở Hà Nội, sửa sang khí giới, phân phát tinh binh, đóng đồn ngoài biên ải. Như thế trong ba năm, việc lớn có thể xong được.

 

Mưu sĩ khác là Thẩm Phối lại nói rằng:

 

- Điền Phong nói thế không phải. Lấy oai thần võ của minh công, sẵn có nền giàu mạnh ở đất Hà Sóc, đem binh đánh Tào Tháo, dễ như trở bàn tay, hà tất phải kéo dài ngày tháng.

 

Mưu sĩ thứ ba là Thư Thụ nói:

 

- Cái mưu đánh được, không cứ gì ở sự cường thịnh, Tào Tháo đã có quyền trong tay, thi hành được pháp lệnh, quân lính lại tập luyện giỏi, không như bọn Công Tôn Toản ngồi bó tay một chỗ. Nay không dùng mưu của Điền Phong, dấy một đội quân vô danh[4]tôi trộm nghĩ là không phải.

 

Lại có một mưu sĩ nữa là Quách Đồ nói:

 

- Thế cũng không phải, đem binh đánh Tào Tháo sao gọi là vô danh? Ông nên kịp thời mưu tính sớm định nghiệp lớn. Xin ông nghe nhời Trịnh thượng thư, cùng Lưu Bị đem nghĩa lớn đánh giặc Tào, trên hợp ý trời, dưới hợp lòng dân, thực là may mắn.

 

Bốn người tranh luận mãi. Viện Thiệu trù trừ chưa quyết. Chợt có Hứa Du, Tuân Thầm ở ngoài vào.

 

Thiệu nói:

 

- Hai người kiến thức rộng, thử xem chủ trương thế nào?

 

Hai người thi lễ xong. Thiệu hỏi:

 

- Trịnh thượng thư gửi thư đến, bảo ta khởi binh giúp Lưu Bị đánh Tào Tháo. Nên khởi binh hay không khởi binh?

 

Hai người đồng thanh nói:

 

- Minh công lấy nhiều đánh ít, lấy khoẻ đánh yếu, giết giặc Tào để giúp nhà Hán, khởi binh là phải lắm.

 

Thiệu nói:

 

- Hai người nói chính hợp ý ta!

 

Lập tức truyền lệnh cất quân; cho Tôn Càn về trước báo với Trịnh Huyền, và hẹn Huyền Đức chuẩn bị sẵn sàng để tiếp ứng; một mặt sai Thẩm Phối, Phùng Kỷ làm thống quân, Điền Phong, Tuân Thầm, Hứa Du làm mưu sĩ. Nhan Lương, Văn Sú làm tướng quân, khởi quân mã mười lăm vạn, quân bộ mười lăm vạn, cả thảy ba mươi vạn tinh binh, tiến về Lê Dương.

 

Xếp đặt đâu đấy rồi, mưu sĩ là Quách Đồ tiến lên nói:

 

- Minh công lấy nghĩa lớn đánh Tào Tháo, phải nên làm một bài văn hịch, nêu hết sự tàn ác của Tào Tháo, truyền tờ hịch đi các quận, kể rõ lẽ tại sao mình đem quân đến đánh, thế mới là danh chính ngôn thuận.

 

Thiệu bèn sai thư ký là Trần Lâm làm bài hịch. Lâm tự là Khổng Chương, vốn có danh tiếng. Đời vua Hoàn đế làm chủ bạ, nhân can Hà Tiến không nghe, lại gặp loạn Đổng Trác, Trần Lâm lánh nạn ở Ký Châu, Thiệu dùng làm thư ký. Bấy giờ vâng lệnh thảo hịch, cầm bút viết xong ngay. Bài hịch như sau:

 

“Thường nghe rằng: minh quân chúa nhân nguy để bày kế; trung thần lo nạn để lập công. Bởi thế, phải có người phi thường, mới lập được việc phi thường; có việc phi thường, mới có công phi thường. Cái công phi thường ấy, vốn không phải người thường có thể làm nổi.

 

“Trước kia nhà Tần vua yếu, Triệu Cao lộng quyền, hống hách trong triều, một tay tác oai tác phúc. Người bấy giờ bị ức hiếp, không ai dám nói cầu gì, đến nỗi có biến ở cung Vọng Di[5]tổ tông nhà nó bị tiêu diệt, để tiếng nhơ nhuốc đến ngày nay, làm gương cho đời.

 

“Cuối đời Lã hậu, Sản, Lộc, chuyên chính, trong giữ hai đạo quân, ngoài thống lĩnh nước Lương, nước Triệu; chuyên quyền ỷ thế, xử việc ở trong cấm sảnh, kẻ dưới lăng loàn, người trên suy yếu, bốn bể ai cũng lo sợ. Bởi thế Giáng hầu và Chu Hữu hầu tức giận nổi dậy giết sạch kẻ bạo nghịch, lập vua Thái tông[6]nhờ thế đạo vương hưng thịnh, sáng sủa và rõ rệt, ấy tức là cái nêu cao lập công của kẻ đại thần.

 

“Tư không là Tào Tháo ngày nay: Ông nó là trung thường thị tên Đằng, cùng với bọn Tả Quan, Từ Hoàng hưng yêu tác quái, tham lam rông rỡ, nát đạo hại dân. Bố nó là Tung, làm con nuôi của Đằng, nhân có nhờ đút lót mà được chức vị, xe vàng khiêng ngọc, đem nộp cửa quyền, trộm giữ ngôi cao, làm nghiêng đổ quyền lớn. Đến Tháo: nòi giống sót của hoạn quan, vốn không có đức hạnh, gian giảo độc ác, thích gây ra sự biến loạn, vui mừng thấy sự tai vạ.

 

“Mạc Phủ[7]đây thống suất hùng binh, quét trừ kẻ hung nghịch, gặp khi Đổng Trác lấn quan hại nước, bèn chống gươm khua trống, phát lịnh ra cõi Đông Hạ, thu dụng anh hùng, bỏ nết xấu để dùng được việc, cho nên mới cùng Tháo hợp mưu, trao cho chức tì tướng, tưởng là tài ưng khuyển có thể dùng được. Không ngờ nó ngu dại, kém mưu lược, khinh thường sự tiến quân và lui quân, đến nỗi thất bại làm tổn thiệt quân sĩ.

 

“Mạc Phủ lại chia thêm cho quân tinh nhuệ, sửa sang bù đắp cho nó, tâu xin cho nó sang Đông Quận lĩnh chức thứ sử ở Duyện Châu; thân dê chó đội lốt hổ, để nó có chút quyền hành, mong rằng nó sẽ có phen báo thù được trận thua trước như quân Tần báo thù được nước Tấn khi xưa[8]. Nhưng Tháo lại thừa thế bạt hổ, bạo ác càn rỡ, tàn dân, hại người lương thiện. Vì thế quan thái thú Cửu Giang là Biên Nhượng, tài cán giỏi giang, thiên hạ biết tiếng, nói thẳng lòng ngay, không a siểm ai, cũng bị nó hãm hại, đầu phải bêu, vợ con phải tàn sát. Từ đó, sĩ phu ai cũng tức tối, nhân dân lại càng oán ghét; một người vung cánh tay cả châu cùng hưởng ứng; cho nên thân nó bị thua ở Từ Châu, đất nó bị cướp về tay Lã Bố; bơ vơ cõi Đông, không nơi nương tựa, Mạc Phủ nghĩ đến nghĩa gốc mạnh cành yếu[9]và thương nó, không buộc nó vào đảng của kẻ phản nghịch, cho nên lại giương cờ, mặc áo giáp, cất quân sang đánh. Chiêng trống vang lừng, Lã Bố tan vỡ, cứu cho nó khỏi chết, và khôi phục lại chức phương bá cho nó, thế là Mạc Phủ ta tuy không có công gì với dân Duyện Châu, nhưng thực là làm phúc cho Tào Tháo to lắm. Đến khi loan giá trở về, giặc cướp quấy rối (loạn Thôi, Dĩ), bấy giờ Ký Châu đang có việc đề phòng ở cõi bắc, ta chưa rờ ra ngoài được, cho nên sai tùng sự trung lang là Từ Huân sang truyền cho Tháo phải sửa sang chốn giao miếu, giúp đỡ vua nhỏ. Nhưng Tháo dám rông rỡ làm càn, hiếp vua thiên đô, khinh nhờn nhà vua, nát phép loạn kỷ, ngồi giữ cả việc ba đài[10]chuyên chế triều chính, muốn thưởng ai thì thưởng, muốn giết ai thì giết; yêu ai thì người ấy sung sướng đến cả năm ngành; ghét ai thì người ấy phải chết cả ba họ; ai bàn tán phải trái thì trị tội công khai, ai thầm vụng chê bai, thì bị giết ngầm ngấm. Vì thế trăm quan buộc miệng, đường sá đưa mắt nhìn nhau. Còn các quan thượng thư thì chỉ nhớ buổi vào triều đến hội cho có mặt; công khanh thì chỉ gọi là có chức phẩm mà thôi!

 

“Cho nên quan thái uý là Dương Bưu, từng giữ hai chức tư không và tư đồ, nhất phẩm trong nước, Tháo nhân thế mang lòng ganh ghét, vu cho tội trạng, đánh đập tàn nhẫn, đủ cả năm thứ hình cụ; tự ý làm càn, không nghĩ đến phép nước.

 

“Quan nghị lang là Triều Ngạn, lời ngay nói thẳng, có thể nghe theo, vì thế vua nghe nói động lòng, thay đổi nét mặt, tỏ ý khen thưởng, nhưng Tháo định che lấp lẽ phải, chặn lắp đường nói năng của mọi người, tự tiện bắt Triệu Ngạn giết đi, không tâu vua biết.

 

“Lương Hiếu vương, là anh em ruột với tiên đế, lăng mộ của người là nơi tôn quý, dẫu đến cây cối trên mả, cũng phải kính cẩn gìn giữ, thế mà Tháo đem tướng sĩ, khai quật phá áo quan, bỏ lộ thây, cướp lấy vàng báu, đến nỗi vua phải chảy nước mắt, dân sĩ phải đau lòng.

 

“Nó lại đặt ra quan trung lang tướng, đào mả quan hiệu uý bới vàng; đi đến đâu tàn hại đến đó, xương trong mả phải bới ra cả ngoài. Nó ở ngôi Tam công, làm việc trộm cướp, nhơ cả nước, khổ đến dân, làm hại cả người sống lẫn người chết. Vả lại chính sự tế toái thảm khốc, luật lệ bày ra thật nhiều, khác gì dò bẫy đầy cả khe, hang hố lấp cả đường, giơ tay mắc phải lưới, đụng chân vấp phải cạm. Cho nên ở Duyện, Dự có những người đau buồn, kinh đô có những nhời than vãn. Xem hết cả sử sách xưa nay, những kẻ làm tôi vô đạo, tham tàn ác nghiệt, đến Tháo là cùng.

 

“Mạc Phủ ta đang phòng ngoại gian, chưa kịp dạy bảo nó, và cũng có ý khoan dung, mong cho nó tu tỉnh lại. Nhưng nó bụng dạ sài lang, mang tâm gây vạ, muốn đạp đổ cột rường, làm cho nhà Hán suy yếu, trừ giết kẻ trung chính chuyên làm kẻ kiêu hùng.

 

“Trước kia ta gióng trống sang mặt bắc, đánh Công Tôn Toản, quân cường khấu nghịch tặc cự nhau với quân ta một năm, Tháo nhân quân ta chưa đánh được, ngầm đưa thư cho Toản, ngoài mặt giả làm giúp quân ta, kì thực nó định đánh úp quân ta, may được người mang thư tiết lộ mưu gian, Toản phải thua chết. Cho nên nhuệ khí của nó phải nhụt và mưu đồ của nó cũng không thành.

 

“Nay nó đóng giữ Ngao Xương, chẹn sông giữ biển, muốn đem cánh tay con bọ ngựa chặn đường của xe thần sét.

 

“Mạc Phủ nay phụng oai linh nhà Hán, dẹp yên bờ cõi, kích dài trăm vạn, ngựa khoẻ nghìn đàn, đem những tướng mạnh như Trung Hoàng, Hạ Dục, Ô Hoạch[11]; dùng cái thế cung cứng nỏ bền, từ Minh Châu vượt núi Thái Hàng; từ Thanh Châu qua sông Tế, sông Luỹ, đại quân qua sông Hoàng Hà đánh mặt trước; quân Kinh Châu xuống đất Uyển, Diệp đánh mặt sau. Sấm vang, hổ sợ, khác gì cầm bó lửa đốt mớ bòng bong, dốc nước bể tưới đống tro tàn, còn cái gì không bị tiêu diệt?

 

“Vả lại quân sĩ của Tháo người nào có thể đánh trận được toàn là người ở U, Ký, hoặc là quân sĩ của bộ hạ cũ, đều oán giận muốn về quê hương, rỏ nước mắt trông về phía bắc. Còn như dân ở Duyện, Dự và quân sót của Lã Bố, Trương Dương, đều là bị ức hiếp, tạm bợ đi theo nó, vết thương chưa khỏi, quân nọ quân kia thù địch lẫn nhau. Nếu ta lên núi cao đánh tiếng trống, phất cờ trắng chiêu hàng, thế tất đất lở ngói tan, không đợi lưỡi gươm phải dây máu mới dẹp yên được.

 

“Hiện nay nhà Hán suy đồi, kỷ cương trễ nải, triều đình không có một người phù tá nào giỏi, chân tay của vua không có thể đánh dẹp được giặc; trong kinh đô, những người lão luyện, đều phải cúi đầu khép cánh, không biết trông cậy vào đâu; tuy có kẻ trung nghĩa cũng bị nó ức hiếp, không làm thế nào thổ lộ được khí tiết của mình?

 

“Vả lại Tháo sai bảy trăm binh lính bộ hạ của nó, vây chốn cung khuyết, ngoài mặt giả làm giữ gìn cho vua, kì thực là nó giam cấm vua. Chúng ta sợ rằng cái mầm thoán nghiệp, nảy ra từ đó. Ấy thực là buổi óc gan lầm đất của trung thần và cái hội lập công của hào kiệt, chúng ta chẳng nên gắng sức dư!

 

“Tháo nó lại mạo làm chiếu vua, sai sứ cất quân. Ta sợ những châu quận ở xa, tưởng là chiếu của vua thực, cấp quân cho nó, thế là trái với lòng dân và vào hùa với quân phản nghịch, phi cả tiếng mình, lại để thiên hạ chê cười. Những bậc minh triết, tất không làm thế.

 

“Nay mai, quân U, Tinh, Thanh, Ký, bốn châu cùng tiến lên. Thư ta đưa đến Kinh Châu, xin phải cất quân ngay, cùng quan Kiến trung tướng quân (Trương Tú) họp lại làm cho thanh thế được mạnh.

 

“Các châu quận cũng nên họp sẵn nghĩa binh, dàn khắp bờ cõi, thị võ dương oai, cùng giúp ấy nền xã tắc. Thế là cái công phi thường sẽ được rõ rệt dựng nên.

 

“Ai mà lấy được đầu Tào Tháo sẽ được phong tước hầu năm nghìn hộ, thưởng tiền năm nghìn vạn quan.

 

“Những bộ khúc tướng tá ai chịu quy hàng, đều tha tội hết. Mở rộng ân tín, ban bố phong thưởng. Nay làm tờ hịch này báo cáo thiên hạ, để ai nấy đều biết mà vua đang có lệnh nguy cấp.

 

“Cấp cấp như luật lệnh!”

 

Thiệu xem hịch xong mừng lắm, liền sai sứ giả đưa đi khắp cả châu huyện và yết thị các nơi cửa ải, bến đò. Bài hịch truyền tận Hứa Đô. Bấy giờ Tào Tháo đang bị chứng nhức đầu, nằm trên giường. Tả hữu đem bài hịch vào trình. Tháo xem xong rợn tóc rùng mình, mồ hôi toát ra như tắm, khỏi cả nhức đầu, từ giường vùng dậy, ngoảnh lại hỏi Tào Hồng:

 

- Ai làm bài hịch này?

 

Hồng nói:

 

- Bài ấy nghe đâu của Trần Lâm soạn.

 

Tháo cười nói:

 

- Có văn hay phải có võ lược đi kèm, văn Trần Lâm, tuy hay nhưng võ lược của Viên Thiệu lại dở, thì làm thế nào!

 

Bèn họp các mưu sĩ bàn việc nghênh địch. Khổng Dung thấy thế, vào nói với Tào Tháo rằng:

 

- Viên Thiệu to thế, không nên đánh nhau, hoà thì hơn.

 

Tuân Úc nói:

 

- Viên Thiệu là người vô dụng, hoà với nó làm gì?

 

Dung lại nói:

 

- Viên Thiệu có đất rộng, dân mạnh, bộ hạ như bọn Hứa Du, Quách Đồ, Thẩm Phối, Phùng Kỷ, đều là những người mưu trí; Điền Phong, Thư Thụ đều là trung thần; Nhan Lương, Văn Sú sức khoẻ hơn ba đội quân; còn như Cao Lãm, Trương Cáp, Thuần Vu Quỳnh toàn là những danh tướng đời nay. Sao lại bảo Thiệu là vô dụng?

 

Úc cười, nói:

 

- Thiệu binh nhiều mà không nghiêm chỉnh; Điền Phong tính cương trực hay phạm người trên; Hứa Du tham mà không khôn, Thẩm Phối hay tự cho mình là phải mà không có mưu mẹo; Phùng Kỷ tính cả quyết nhưng không làm được việc. Mấy người ấy không ưa nhau, tất rồi cũng có nội biến; Nhan Lương, Văn Sú tuy khoẻ, nhưng đồ thất phu ấy chỉ đánh một trận là bắt được; còn những đồ tầm thường nhung nhúc, dẫu có trăm vạn cũng chẳng kể vào đâu.

 

Khổng Dung ngồi nín lặng.

 

Tháo cười to, nói:

 

- Đều không ra ngoài sự tính toán của Tuân Văn Nhược.

 

Liền gọi tiền quân là Lưu Đại, hậu quân là Vương Trung dẫn năm vạn quân mang cờ hiệu “Thừa tướng” sang Từ Châu đánh Lưu Bị.

 

Lưu Đại vốn làm thứ sử Duyện Châu, sau hàng Tào Tháo, Tháo cho làm thiên tướng. Cho nên Tháo sai hắn cùng Vương Trung mang quân đi trước.

 

Tháo tự dẫn đại quân hai mươi vạn ra Lê Dương để chống Viên Thiệu.

 

Trình Dục nói:

 

- Lưu Đại, Vương Trung hai người mà thừa tướng sai đi cùng không xứng việc.

 

Tháo nói:

 

- Ta cũng đã biết hai người ấy không phải tay địch nổi Lưu Bị, nhưng để hư trương thanh thế.

 

Tháo lại dặn hai người:

 

- Không được khinh tiến, đợi ta phá được Thiệu, bấy giờ mới quay binh về đánh Lưu Bị.

 

Lưu Đại, Vương Trung lĩnh binh đi.

 

Tháo đến Lê Dương, hai bên cách nhau tám mươi dặm, cùng đào hào đắp luỹ, giữ nhau không đánh, từ tháng tám đến tháng mười. Nguyên là Hứa Du không bằng lòng để Thẩm Phối cầm quân; Thư Thụ thì giận Viên Thiệu không dùng mưu của mình, nội bộ lủng củng không hoà thuận với nhau, chẳng ai nghĩ gì đến việc tiến binh cả.

 

Tháo thấy vậy mới gọi hàng tướng là Tang Bá, thủ hạ của Lã Bố sai giữ miền Thanh, Từ; Vu Cấm, Lý Điển đóng đồn trên sông Hà; Tào Nhân thì thống lĩnh đại quân, đóng ở Quan Độ. Còn Tháo thì tự dẫn một đội quân về Hứa Đô.

 

Đây nói Lưu Đại, Vương Trung dẫn năm vạn quân đến cách Từ Châu một trăm dặm đóng trại, trong quân giả vờ dựng một lá cờ hiệu Tào thừa tướng, không dám tiến binh vội, chờ đợi tin tức Hà Bắc.

 

Trong thành Từ Châu, Lưu Bị cũng không biết hư thực thế nào, chưa dám dấy quân, cũng nghe ngóng tin tức Hà Bắc.

 

Chợt Tào Tháo sai người giục Lưu Đại, Vương Trung tiến binh. Hai người ở trong trại bàn nhau. Đại bảo Trung:

 

- Anh đi đánh trước.

 

Trung nói:

 

- Thừa tướng sai anh đi đánh trước kia mà!

 

Đại nói:

 

- Ta là chủ tướng, sao lại ra đánh trước được?

 

Trung nói:

 

- Thế thì anh với tôi cùng đi.

 

Đại nói:

 

- Chúng ta rút thăm, phải tên người nào người ấy đi.

 

Vương Trungrút phải chữ “tiên” phải lĩnh một nửa quân mã, đến đánh Từ Châu.

 

Huyền Đức biết tin, mời Trần Đăng đến thương nghị, nói rằng:

 

- Viên Thiệu tuy có đóng quân ở Lê Dương, nhưng các mưu sĩ, đại thần không hoà thuận với nhau, vẫn chưa tiến binh. Còn Tào Tháo thì không biết ở đâu, nghe như trong quân Lê Dương không có cờ hiệu Tháo, sao ở đây lại có cờ hiệu Tháo?

 

Đăng nói:

 

- Tào Tháo trăm nghìn quỷ kế, tất nó lấy Hà Bắc làm trọng, phải tự mình đôn đốc ở đấy, cố ý giấu cờ hiệu đi, còn cờ hiệu ở đây chỉ là hư trương thanh thế, tôi chắc chắn Tào Tháo không có ở đây.

 

Huyền Đức ngoảnh lại hỏi Quan, Trương:

 

- Hai em, ai đi dò xem hư thực?

 

Trương Phixin đi.

 

Huyền Đức bảo:

 

- Em táo bạo quá, không nên đi.

 

Trương Phinói:

 

- Cho có ngay Tào Tháo em cũng xin bắt nó đem về!

 

Vân Trường nói:

 

- Để em xin đi.

 

Huyền Đức nói:

 

- Nếu Vân Trường đi, anh mới vững dạ.

 

Vân Trường dẫn ba nghìn quân mã ra khỏi Từ Châu.

 

Bấy giờ bắt đầu mùa đông, mây mờ u ám, hoa tuyết bay tán loạn. Quân mã xông vào trong tuyết bày trận. Vân Trường tế ngựa cắp đao, gọi to Vương Trung ra nói chuyện.

 

Trung nói:

 

- Thừa tướng đến đây sao không hàng?

 

Vân Trường nói:

 

- Người về mời thừa tướng ra trước trận, ta sẽ thưa chuyện.

 

Trung nói:

 

- Thừa tướng nào lại thèm ra nói chuyện với mày!

 

Vân Trường giận lắm, quất ngựa lên trước. Vương Trung vác giáo lại địch. Hai ngựa vừa gặp nhau, Vân Trường quay ngựa chạy lại, quát to một tiếng, múa long đao vào đánh. Trung địch không nổi, sắp sửa quay ngựa chạy trốn, Vân Trường tay trái cắp ngược bảo đao, tay phải nắm lấy thắt lưng Vương Trung, lôi xuống cắp ngang trên mình ngựa quay về.

 

Quân Vương Trung chạy tán loạn cả.

 

Vân Trường áp giải Vương Trung về Từ Châu vào nộp Huyền Đức. Huyền Đức hỏi:

 

- Mày là người nào, hiện làm chức gì, dám trá xưng là Tào thừa tướng?

 

Trung nói:

 

- Tôi nào dám thế, thừa tướng sai tôi lại đây hư trương thanh thế để làm nghi binh, thừa tướng thực không có ở đây.

 

Huyền Đức sai lấy quần áo cho mặc, và cho cơm rượu tử tế rồi cho tạm giam lại, đợi bắt được Lưu Đại sẽ bàn định sau.

 

Vân Trường nói:

 

- Tôi biết anh có ý muốn hoà giải, cho nên tôi mới bắt sống đem về.

 

Huyền Đức nói:

 

- Anh cũng sợ Dực Đức nóng nảy giết mất Vương Trung, cho nên anh không dám sai đi. Những người này giết đi vô ích; để lại còn có thể làm chỗ hoà giải.

 

Trương Phira nói:

 

- Anh hai bắt sống được Vương Trung, còn Lưu Đại em xin ra bắt sống đem về.

 

Huyền Đức nói:

 

- Lưu Đại trước làm thứ sử Duyện Châu, khi ở Hổ Lao đánh Đổng Trác, y là một vị chư hầu ở một trấn, nay làm tiền quân, em không nên khinh thường.

 

Phi nói:

 

- Bọn ấy có xá gì, em sẽ như anh hai, bắt sống đem về cho mà xem.

 

Huyền Đức nói:

 

- Chỉ sợ em làm hại mất tính mạng nó, lại làm lỡ việc lớn.

 

Phí nói:

 

- Hễ em giết nó, em xin đền mạng.

 

Huyền Đức bèn trao cho ba nghìn quân. Phi dẫn quân đi.

 

Lưu Đại thấy Vương Trung bị bắt, cứ giữ không ra đánh. Trương Phi mỗi ngày đến trước trại chửi mắng, Đại biết rằng Trương Phi không dám thò ra. Phi giữ vài ngày, không thấy Đại ra, nghĩ ngay được một kế, bèn truyền lệnh cho quân rằng:

 

- Canh hai đêm nay đi cướp trại.

 

Cả ngày hôm ấy, Trương Phi chỉ ngồi trong trướng uống rượu, giả vờ say, tìm bới một lỗi nhỏ của một tên lính canh, đánh cho một trận, trói ở trong dinh, truyền rằng: “Đợi đến lúc nào ra quân sẽ tế cờ”; rồi bảo thầm tả hữu cởi trói cho nó trốn đi. Tên lính ấy được thoát, lẻn ra ngoài dinh, đi tắt ngay đến trại Lưu Đại, báo trước cho Lưu Đại biết việc Phi cướp trại đêm hôm ấy. Lưu Đại thấy quân hàng mình mẩy bị trọng thương, chắc là nó nói thực, tối đến để trại không, đem quân phục ở ngoài.

 

Đêm hôm ấy, Trương Phi chia quân ra làm ba đường, giữa sai ba mươi người vào cướp trại phóng hoả, còn hai đường lẻn ra đằng sau trại, trông lửa cháy làm hiệu thì đánh ập lại. Đến canh ba, Trương Phi dẫn tinh binh chẹn hẳn đằng sau Lưu Đại. Đường giữa ba mươi người kéo vào trại đốt lửa, phục quân Lưu Đại sắp kéo vào đánh, quân hai mặt của Trương Phi đều xô ra.

 

Quân Đại rối loạn, không biết quân Phi nhiều ít thế nào, vỡ tan chạy trốn cả. Lưu Đại dẫn một đội tàn quân cướp đường mà chạy, chẳng may gặp ngay Trương Phi. Trong quãng đường cùng, khó lòng lánh ẩn, đánh nhau mới được một hiệp, Đại đã bị Trương Phi bắt sống. Quân sĩ đều xin hàng.

 

Phi sai người về Từ Châu báo tin trước. Huyền Đức bảo Vân Trường rằng:

 

- Dực Đức xưa nay tính tình thô lỗ, bây giờ cũng biết dùng mưu, ta không lo gì nữa.

 

Liền thân đi ra ngoài thành để đón Lưu Đại.

 

Phi hỏi:

 

- Anh vẫn chê em táo tợn, bây giờ thế nào?

 

Huyền Đức nói:

 

- Không nói khích, đời nào em chịu dùng mưu mẹo.

 

Phi cười ầm lên.

 

Huyền Đức thấy Lưu Đại bị trói, vội vàng xuống ngựa cởi trói, nói:

 

- Em nó nhỡ xâm phạm đến mình ngài, xin ngài miễn chấp cho.

 

Nói rồi đón về Từ Châu, tha Vương Trung ra, khoản đãi hai người tử tế. Huyền Đức nói rằng:

 

- Trước kia Xa Trụ muốn hại tôi, cho nên tôi bất đắc dĩ phải giết đi, thừa tướng lại ngờ là tôi làm phản, sai hai tướng quân đến hỏi tội. Tôi đội ơn thừa tướng, đang mong báo đáp, có đâu lại dám làm phản. Vậy nhờ hai tướng quân về Hứa Đô phân trần giúp tôi, thì thật may cho tôi lắm.

 

Lưu Đại, Vương Trung nói:

 

- Chúng tôi được đội ơn sâu sứ quân không giết. Nay về hầu thừa tướng xin hết lòng tìm đường giảng giải, đem cả lớn bé già trẻ hai nhà chúng tôi lĩnh cho sứ quân.

 

Huyền Đức cảm tạ.

 

Hôm sau Huyền Đức trả lại cả quân mã cho hai người, lại tiễn ra ngoài thành. Lưu Đại, Vương Trung đi chưa được mười dặm, bỗng một tiếng trống nổi, Trương Phi đứng giữa đường quát to lên rằng:

 

- Anh ta sao khờ thật vậy! Bắt được tướng giặc sao lại tha ra!

 

Hai người ngồi trên ngựa run lẩy bẩy. Trương Phi trừng mắt, cầm giáo xô lại. Bỗng đâu sau lưng một người tế ngựa lại mắng:

 

- Không được vô lễ!

 

Trông ra thì là Vân Trường. Lưu Đại, Vương Trung bây giờ mới vững dạ. Vân Trường nói:

 

- Huynh trưởng đã tha, sao em lại không tuân lệnh?

 

Phi nói:

 

- Phen này tha, lần sau nó lại đến.

 

Vân Trường nói:

 

- Khi nào họ lại đến, sẽ giết cũng chưa muộn.

 

Hai người đồng thanh nói:

 

- Dù thừa tướng giết cả ba họ chúng tôi, chúng tôi cũng không dám đến nữa, xin tướng quân tha cho.

 

Trương Phinói:

 

- Cho cả Tào Tháo đến nữa, ta cũng đánh cho nó không còn manh giáp. Lần này ta hãy gửi hai cái đầu đấy.

 

Lưu Đại, Vương Trung ôm đầu thui thủi đi. Quan, Trương cùng về, nói với Huyền Đức:

 

- Tào Tháo tất nhiên lại đến.

 

Tôn Cànbảo Huyền Đức rằng:

 

- Từ Châu là đất trống cả bốn mặt, không ở lâu được, không bằng chia quân đóng ở Tiểu Bái, giữ gìn Hạ Phì làm thế ỷ giốc để phòng Tào Tháo đến.

 

Huyền Đức nghe theo, sai Vân Trường giữ Hạ Phì, hai vợ là Cam phu nhân và My phu nhân cũng để ở đó.

 

Cam phu nhân là người Tiểu Bái, My phu nhân là em My Chúc. Còn Tôn Càn, Giản Ung, My Chúc, My Phương giữ Từ Châu, Huyền Đức và Trương Phi đóng ở Tiểu Bái.

 

Lưu Đại, Vương Trung về Hứa Đô vào hầu Tào Tháo, nói việc Lưu Bị không làm phản. Tháo giận mắng rằng:

 

- Những đồ làm nhục quốc thể, để chúng bây sống làm gì!

 

Bèn gọi tả hữu lôi ra chém.

 

Thế thực là:

 

Chó lợn đấu sao cùng hổ mạnh,

Cá tôm tranh được với rồng thiêng?

 

Chưa biết hai người chết sống thế nào, xem đến hồi sau mới rõ.

 

  

小语种学习网  |  本站导航  |  英语学习  |  网页版
01/13 10:07
首页 刷新 顶部